Lượt xem: 600

Sóc Trăng sẵn sàng cho vụ nuôi tôm nước nợ năm 2020

Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019 đã khép lại với nhiều khởi sắc khi sản lượng tôm nuôi đạt 150.350 tấn, tỉ lệ tôm chết được khống chế ở mức dưới 10%. Đây là một tín hiệu vui để ngành tôm Sóc Trăng tiếp tục khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của cả tỉnh. Để duy trì kết quả đã đạt và phấn đấu đạt sản lượng 167.000 tấn theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2020; tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp chuẩn bị sẵn sàng cho một vụ nuôi thành công.

    Những yếu tố thành công của nghề nuôi tôm nước lợ tại Sóc Trăng trong năm 2020 đó chính là sự nỗ lực trong công tác quản lý của các cấp, các ngành và khả năng nhạy bén của người nuôi trong việc áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả, công nghệ cao. Ngoài ra, một yếu thành công nữa phải kể đến đó chính là vấn đề quản lý nuôi tôm theo mùa vụ.

Kiểm tra con giống. Ảnh Ngọc Thơ

    Từ dự báo về tình hình thời tiết; tình hình quan trắc môi trường, để đảm bảo hiệu quả sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2020, hạn chế thấp nhất diện tích thiệt hại và đạt kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 bắt đầu từ ngày 20-01-2020 và sẽ kết thúc vào ngày 30-9-2020. Riêng tôm sú sẽ bắt đầu thả nuôi từ ngày 01-4-2020 và dự kiến kết thúc vào ngày 30-8-2020. Trên cơ sở khung lịch thời vụ do ngành Nông nghiệp ban hành, từng địa phương cũng đã xây dựng những khung lịch thả nuôi phù hợp với tình hình sản xuất trên địa bàn mỗi huyện, nhưng vẫn đảm đảo đúng với khung lịch chung mà tỉnh đã đưa ra.

    Đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết: “Từ thành công của vụ nuôi năm 2019, năm 2020 trên cơ sở khung lịch thời vụ do tỉnh ban hành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện ban hành khung lịch thời vụ riêng và phối hợp cùng với ban ngành, đoàn thể huyện, xã và đài truyền thanh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện thông tin đại chúng và xây dựng kế hoạch đối với ngành chuyên môn của tỉnh để chuyển giao khoa học kỹ thuật, quan trắc môi trường và khuyến cáo tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi”.

    Chất lượng con giống là khâu đầu tiên có vai trò đặc biệt quan trọng trong nuôi tôm. Tôm giống đảm bảo chất lượng chỉ có từ các trại giống có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, quy trình vận hành đảm bảo an toàn sinh học,... Xác định được tầm quan trọng của vấn đề này, Chi cục Thủy sản chú trọng hướng dẫn các cơ sở thực hành an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nhằm áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý để ngăn ngừa tác nhân sinh học gây bệnh cho người, vật nuôi và môi trường, đảm bảo cung cấp cho người nuôi tôm có được nguồn tôm giống chất lượng và góp phần cho một vụ nuôi thắng lợi. Bên cạnh đó, lưu ý bà con nuôi tôm thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình nuôi, môi trường thời tiết và cảnh báo dịch bệnh để tránh rủi ro thiệt hại trong quá trình nuôi.

    Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin thêm: “Bà con nuôi nên lưu ý về diễn biến thời tiết và lịch thời vụ để bố trí mùa vụ sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Đối với vật tư đầu vào, đặc biệt là con giống thì chúng ta nên lựa chọn ở những cơ sở có uy tín và bằng kinh nghiệm cảm quan để chúng ta lựa chọn con giống sao cho tốt. Đồng thời, để hiệu quả hơn thì chúng ta có thể xét nghiệm để chọn được nguồn gốc giống rõ ràng, chất lượng”.

    Nhằm giúp người nuôi tăng cường liên kết sản xuất, cùng nhau tạo ra sản phẩm tôm sạch đảm bảo chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu đến các nước Châu Âu, góp phần phát triển nghề nuôi tôm bền vững, tạo đầu ra ổn định cho con tôm sạch. Chi cục Thủy sản khuyến khích hộ nuôi tiếp tục áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: Mô hình nuôi 2 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình kết hợp cá rô phi/cá chẽm/cá đối mục hoặc tôm càng xanh toàn đực với tôm thẻ hoặc tôm sú và đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi, nuôi ao lót bạt… Với sự hướng dẫn từ ngành chuyên môn, nhiều hộ nuôi và hợp tác xã đã sẵn sàng với phương thức sản xuất cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020. Anh Lâm Hữu Nhơn - hộ nuôi tại xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung chia sẻ: “Đầu năm tôi đã được Chi cục Thủy sản hướng dẫn lựa chọn mô hình nuôi, hiện nay tôi cải tạo ao và bơm nước xong hết rồi, chỉ chờ tình hình quan trắc là bắt đầu thả giống. Năm nay tôi quyết định tiếp tục nuôi theo mô hình công nghệ cao, vì nuôi theo hình thức này thì tôm ít bị bệnh, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Tôi dự định sẽ thả nuôi 500 ngàn con giống”.

    Hiện toàn tỉnh đã thả nuôi được 31 ha tôm nước lợ. Đến thời điểm này, mọi hoạt động chuẩn bị cho vụ tôm mới đã sẵn sàng, nhiều ao nuôi đã được cải tạo đúng quy trình, con giống được chọn mua tại các cơ sở có uy tín. Tuy nhiên, trong năm 2020, ngành tôm được dự báo sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tình hình xâm nhập mặn được dự báo sẽ diễn ra gay gắt có nguy cơ làm phát sinh nhiều dịch bệnh trên tôm; các thị trường nhập khẩu có yêu cầu cao hơn về mặt kỹ thuật. Theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu, giá tôm sẽ vẫn ở mức tương đối trong khi chi phí đầu vào nhiều khả năng tăng cao. Trước những thách thức vừa nêu, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tạo sự liên kết chặt chẽ từ vùng nuôi đến nhà máy.

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Để cụ thể hóa các mục tiêu này, ngành sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như rà soát, quy hoạch các vùng nuôi phù hợp theo từng loại hình nuôi, tăng cường đầu tư các công trình xây dựng cơ bản để đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay của ngành tôm, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả giá trị con tôm, nâng cao năng lực của cán bộ quản lý cũng như người dân trong quá trình tiếp cận công nghệ cũng như các quy định của nhà nước về Luật Thủy sản”.

    Tôm là 1 trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành Thủy sản của cả nước. Riêng Sóc Trăng là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long, nghề nuôi tôm đã mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho người nuôi và phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu nên, sự thành công của mỗi mùa vụ có quyết định rất lớn đến giá trị tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh. Thành công của vụ nuôi không chỉ có yếu tố chủ quan của người nuôi mà còn chịu tác động của thời tiết, khí hậu, do vậy mà người nuôi cần tuân thủ đúng lịch thời vụ, đầu tư tốt cho quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi sẽ giảm được rủi ro do yếu tố khách quan tác động, giúp cho nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh có thêm một vụ nuôi thắng lợi.
Ngọc Thơ


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 102
  • Hôm nay: 7876
  • Trong tuần: 78,583
  • Tất cả: 11,801,903